Cập nhật thông tin về virus Corona tại Trung Quốc và Việt Nam ngày 5/2
Cập nhật thông tin về virus Corona tại Trung Quốc và Việt Nam ngày 5/2
10:20 05/02/2020
Vinanet - Dưới đây là tổng hợp những thông tin mới nhất về tình hình dịch virus corona trên thế giới, tập trung vào thông tin về Trung Quốc và Việt Nam.
+ Theo Vietnamplus, số liệu thống kê mới nhất do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 5/2, nước này đã ghi nhận tổng cộng 24.324 ca nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCoV), trong đó có 3.887 ca nhiễm mới.
Số ca tử vong đã tăng thêm 65 trường hợp trong ngày 4/2, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh này tại 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc lên 490 người. Ngày 4/2 là ngày thứ hai liên tiếp số bệnh nhân tử vong ghi nhận ở mức này. Con số 65 trường hợp cũng là mức tử vong cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát hồi cuối năm ngoái.
Cũng theo Ủy ban trên, trong ngày 4/2, đã có 262 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới được xuất viện sau khi đã hồi phục hoàn toàn sức khỏe. Như vậy, tính đến hết ngày 4/2, đã có 892 bệnh nhân tại nước này được điều trị thành công kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV bùng phát hồi tháng 12/2019.
+ Sáng 4/2, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận trường hợp tử vong do virus Corona mới (2019-nCoV). Bệnh nhân này đã tới Vũ Hán vào ngày 21/1 và trở về Hong Kong ngày 23/1. Người này đã nhập viện ngày 31/1 với các triệu chứng đau cơ và sốt.
Chính quyền Hong Kong vẫn chưa đưa ra dự báo kinh tế năm nay, diễn biến và thời gian tiếp diễn dịch bệnh sẽ là một trong những nhân tố cân nhắc chính. Theo ước tính, tình hình dịch bệnh sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ kinh tế bị thu hẹp trong năm nay và cũng sẽ khiến nguồn thu của chính quyền giảm đi và khoản chi tăng lên, có nghĩa là thâm hụt ngân sách có thể gia tăng hơn nữa.
+ Theo Vov, ngày 3/2, tại cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ Chính trị nước này đã thừa nhận "thiếu sót và các khó khăn" trong phản ứng với đợt bùng phát dịch virus corona. Đồng thời, cơ quan quyền lực nhất nước này kêu gọi sự cải thiện “hệ thống quản lý khẩn cấp quốc gia”. Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết việc kiểm soát đợt bùng phát dịch này sẽ “ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế và xã hội cũng như sự mở cửa của Trung Quốc”.
Virus corona chủng mới được cho lây lan từ động vật sang người ở một chợ hải sản ở Vũ Hán. “Cần thiết phải củng cố việc giám sát thị trường, cấm tuyệt đối và trấn áp các hoạt động buôn bán và các thị trường động vật hoang dã” - tuyên bố của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu. Theo hãng tin AFP, các quan chức ở Vũ Hán bị chỉ trích vì che giấu thông tin về đợt bùng phát 2019-nCoV cho đến cuối năm 2019, mặc dù đã biết về bệnh dịch này sớm hơn.
Tính đến đêm 2/2, chính quyền các cấp ở Trung Quốc đã phân bổ 47 tỉ NDT (tương đương 6,8 tỉ USD) cho công tác ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh do nhiễm 2019-nCoV. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, các nguồn ngân sách chủ yếu được phân bổ cho hoạt động điều trị và phúc lợi tạm thời cho nhân viên y tế và nhân viên phòng ngừa dịch bệnh cũng như cho việc mua các trang thiết bị y tế.
+ Đến ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ kiềm chế hành động thái quá về sự bùng phát 2019-nCoV và kêu gọi Washington hợp tác với Bắc Kinh cũng như cộng đồng quốc tế để đối phó với dịch bệnh.
Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ gây hoang mang khi cấm nhập cảnh đối với tất cả những người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong 2 tuần qua, đồng thời công bố các biện pháp cách ly công dân Mỹ có các yếu tố liên quan tới Trung Quốc.
+ Phản ứng lại chỉ trích của Trung Quốc, Mỹ khẳng định quyết định của nước này cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học chuẩn xác nhất.
Phát biểu ngày 3/2 (giờ Mỹ), Giám đốc Trung tâm Các bệnh về đường hô hấp và miễn dịch thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) Nancy Messonnier nêu rõ, CDC có đội ngũ nhà khoa học "rất tài giỏi", có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về các bệnh tương tự bệnh viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV gây ra. Do đó, các khuyến cáo y tế và quyết định liên quan được đưa ra dựa trên những cơ sở khoa học.
Cũng theo bà Messonnier, Mỹ có kế hoạch triển khai thêm nhiều chuyến bay tới Vũ Hán để đưa công dân nước này về nước. Cuối tuần này, CDC sẽ cử thêm 4 nhóm tới khảo sát các địa điểm thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ mà các máy bay này có thể hạ cánh.
Hiện có 195 công dân Mỹ - trong đó có các nhà ngoại giao và gia đình của họ, bị cách ly tại một căn cứ quân sự ở bang California sau khi được sơ tán khỏi Vũ Hán hồi tuần trước. Mỹ đã ghi nhận 11 trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV ở nước này, trong đó có trường hợp thứ hai lây nhiễm từ người sang người bên trong lãnh thổ Mỹ. Mỹ đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp đối với dịch bệnh này.
+ Theo News.zing, ngày 4/2, Bộ Y tế xác nhận Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân nhiễm virus corona thứ 10. Bệnh nhân này sống tại tỉnh Vĩnh Phúc, là người nhà của một trong số các công nhân đã đi tập huấn ở Vũ Hán. Đây là lần thứ hai Việt Nam ghi nhận ca lây nhiễm bệnh từ bệnh nhân sang người nhà (trường hợp trước đó là bố con ông Li Ding người Trung Quốc).
Trong số 10 bệnh nhân nhiễm virus ở Việt Nam có 5 người sống tại tỉnh Vĩnh Phúc. Số còn lại có 1 bệnh nhân ở Thanh Hóa (đã ra viện ngày 3/2), Khánh Hòa 1 bệnh nhân, TPHCM 3 bệnh nhân (1 đã ra viện sáng nay 4/2).
Hiện nay, cả nước có 361 trường hợp nghi ngờ, trong đó 283 ca đã xét nghiệm loại trừ, 78 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly điều trị, chờ kết quả xét nghiệm, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế. Số tiếp xúc gần đang theo dõi 270 trường hợp.
+ Chiều 27/1 (Mùng 3 tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp khẩn với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan để nắm bắt tình hình và thống nhất những giải pháp ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này. Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các ban, bộ ngành địa phương nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe nhân dân; có những giải pháp cụ thể, khẩn trương, đồng bộ không được để dịch corona lan tràn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân Việt Nam. Nhấn mạnh bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, Thủ tướng chỉ đạo cần "có những biện pháp kịp thời hơn, đồng bộ hơn, không được để dịch bệnh corona bùng phát ở nước ta".
+ Chiều 4/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành về phòng, chống dịch do virus corona gây ra. Theo người đứng đầu Chính phủ, một số ngành sản xuất đã chỉ đạo kịp thời ngay sau Tết để vừa chống dịch nghiêm túc, vừa tái cơ cấu trong xuất khẩu nông nghiệp. Có thể kinh tế sụt giảm, hàng không, du lịch và một số lĩnh vực khác giảm nhưng phải chấp nhận. Ông nhận định dịch corona đang diễn biến phức tạp và lưu ý không được chủ quan.
Thủ tướng nhấn mạnh không để dịch bệnh lây lan, coi chống dịch như chống giặc, quyết liệt, cụ thể, nhanh chóng, kịp thời hơn. Bộ Y tế rà soát lại kịch bản, phương án ứng phó đã được giao, nhưng không gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
+ Cũng trong cuộc họp ngày 4/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Theo nhận định chung của các nhà khoa học, dịch có thể đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới”. Ông Long cung cấp thông tin ngày 3/2 có 194 người nhập cảnh vào Việt Nam nhưng đều là người Việt chứ không có người Trung Quốc. Về xuất cảnh, có hơn 1.000 trường hợp và đều là người Trung Quốc. “Cho nên ta tạm yên tâm là toàn bộ đường biên vẫn ngăn chặn triệt để, không có chuyện người Trung Quốc vào Việt Nam”, ông Long khẳng định. Ngoài ra, tất cả trường hợp vào Việt Nam, đều bị cách ly 14 ngày và được đảm bảo đủ điều kiện. Ông Long nhấn mạnh quan trọng nhất là hoạt động cách ly và giải thích về 3 vòng này.
+ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, cho hay ngành y tế cộng với quân y và công an đã sẵn sàng triển khai đến từng cơ sở. Ngành y tế đã có phương án trong trường hợp có 1.000 người nhiễm virus corona, thực tế có thể đáp ứng tới 3.000 ca.
Ông cũng cho biết hiện nay phương pháp xét nghiệm dịch bệnh đã tốt hơn, chuẩn bị đưa về Việt Nam các que thử xét nghiệm, còn đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Một số tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đại diện của WHO đồng tình với các biện pháp mà Việt Nam đang triển khai.
+ Sáng 31/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp khẩn để đánh giá tác động từ dịch bệnh nCoV tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương nói riêng. Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng về phòng chống dịch nCoV với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá tổng quan và toàn diện hơn tác động của dịch nCoV đối với thị trường trong và ngoài nước trên cơ sở cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cụ thể hơn cả trong ngắn và dài hạn. Ngoài việc lập tổ công tác xây dựng báo cáo, đánh giá tác động và đề xuất từng giải pháp đối phó với dịch viêm phổi cấp nCoV…, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, người đứng đầu các đơn vị.
+ Để tăng cường triển khai phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, sáng ngày 02/02/2020, Bộ Công Thương triển khai phun khử khuẩn phòng chống dịch Corona toàn bộ các khu liên cơ gồm: Trụ sở cơ quan Bộ 54 Hai Bà Trưng, 21-23-25 Ngô Quyền, 91 Đinh Tiên Hoàng và 655 Phạm Văn Đồng Hà Nội.
+ Sáng ngày 2/2, Đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm đại diện Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước đã đến làm việc với một số doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất mặt hàng khẩu trang, đánh giá năng lực và khả năng cung ứng mặt hàng này ra thị trường phục vụ nhu cầu phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
+ Theo 24h.com, Bộ GD-ĐT cho biết, tính đến 22h00 ngày 4/2, đã có 60 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo(GDĐT) về việc quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, mới nhất là tỉnh Cà Mau với thời gian nghỉ từ 5-9/2.
+ Theo Dân trí, dịch virus corona mới 2019-nCoV, tiếp tục lan rộng khắp Trung Quốc và đến nhiều nước khác trên thế giới, một câu hỏi lớn được đặt ra là: Dịch sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tệ đến mức nào? Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết, “không có nhà khoa học cũng như không có nhà tiên tri nào trên hành tinh này nói được rằng khi nào dịch sẽ đến đỉnh điểm. Đỉnh dịch sẽ xảy ra khi nó xảy ra”. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn đang có những tiến triển.
Viết bình luận: