Covid-19: Vì sao Brazil trở thành ổ dịch lớn nhất châu Mỹ Latinh?

Đăng ngày: Sửa đổi ngày: 

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm từ một nạn nhân của Covid-19 tại Manaus, Brazil. Ảnh chụp ngày 27/05/2020.

Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm từ một nạn nhân của Covid-19 tại Manaus, Brazil. Ảnh chụp ngày 27/05/2020. REUTERS - BRUNO KELLY

Mai Vân

Với hơn 400.000 ca nhiễm virus và hơn 25.000 ca tử vong, tính đến ngày 27/05/2020, Brazil, quốc gia lớn nhất vùng châu Mỹ Latinh đã củng cố thêm vị trí không mong muốn là ổ dịch lớn nhất khu vực và đứng thứ hai thế giới về số người nhiễm virus corona.

QUẢNG CÁO

Tình hình càng lúc càng nghiêm trọng trong lúc tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đã từng cho rằng Covid-19 chỉ là một bệnh “cảm cúm xoàng”, vẫn tiếp tục hô hào những người ủng hộ ông – chủ yếu là thành phần cực hữu – chống lại các biện pháp phong tỏa phòng dịch do các chính quyền địa phương ban hành.

Trước cách xử lý này, ngày càng có nhiều tiếng phản đối vang lên, kèm theo là những vụ từ chức liên tiếp trong chính phủ, khiến cho khủng hoảng y tế cũng như chính trị tại Brazil trở nên rất đáng lo ngại.

Đứng đầu châu Mỹ Latinh, ổ dịch mới của thế giới

Ngay từ ngày 22/05, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tuyên bố khu vực Mỹ Latinh là tâm dịch Covid-19 mới của thế giới, với Brazil là nước bị nặng nhất.  

Theo số liệu tính đến hết ngày 27/05 của trường đại học Mỹ Johns Hopkins, tại quốc gia lớn nhất vùng châu Mỹ Latinh với hơn 210 triệu dân này, virus corona đã khiến 25.598 người chết, chiếm hơn một nửa số ca tử vong ở toàn khu vực châu Mỹ Latinh và vùng Caribê.

Tính chất nghiêm trọng của tình hình được thấy qua con số người chết cực kỳ cao mỗi ngày trong hơn một tuần lễ nay. Từ ngày 19/05, khi bộ Y Tế Brazil lần đầu tiên ghi nhận hơn 1000 ca tử vong mỗi ngày vì Covid-19, ngưỡng tử vong mang tính biểu tượng này đã 5 lần bị vượt qua, mà gần đây nhất là ngày 27/05, với 1.086 người chết. Đỉnh cao là ngày 21/05 với 1.188 ca tử vong.

Số ca nhiễm được xác nhận cũng tăng vọt lên thành 411.821 người. Tuy nhiên, theo giới quan sát, số liệu đó vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế. Do không có xét nghiệm ở Brazil, số ca nhiễm thực thụ có thể cao hơn gấp 15 lần các con số được thông báo, theo một nhóm nghiên cứu theo dõi hàng ngày dịch bệnh ở Brazil, được đài phát thanh Pháp FranceInfo hôm 20/05 trích dẫn.

Domingos Alves, một nhà nghiên cứu trong nhóm nói trên, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Sao Paulo, cho rằng “với thống kê chính thức xa thực tế như vậy, người ta hiện chỉ thấy có phần nổi của tảng băng chìm”.

Tình hình sắp tới còn đáng ngại hơn nữa. Theo trang tin Brazil G1, Viện Đo Lường và Đánh Giá Y Tế (IHME) thuộc trường đại học Mỹ Washington, đã dự báo rằng số ca tử vong vì Covid-19 tại Brazil có thể vượt quá 125.000 vào đầu tháng 8. Bị nặng nhất sẽ là bang São Paulo, với hơn 32.000 người chết, tiếp theo là Rio, với khoảng 26.000 người thiệt mạng.

Hai bang này đã ra lệnh phong tỏa kể từ cuối tháng 3, bất chấp sự phản đối quyết liệt của tổng thống Jair Bolsonaro. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa cho thấy hiệu quả, vì không kèm theo những biện pháp cưỡng chế.

Đối với giới phân tích, một trong những nguyên nhân đẩy Brazil vào thảm cảnh hiện nay là quan điểm của tổng thống Jair Bolsonaro, luôn coi thường tình hình dịch bệnh, chỉ nghĩ đến vấn đề kinh tế, bất chấp mạng sống của người dân.

Vào lúc dịch bệnh hoành hành, ông vẫn tiếp tục chỉ trích gay gắt các biện pháp phong tỏa mà chính quyền nhiều bang ở Brazil đã ban hành để chống dịch. Trên mạng Twitter, ông đã cho rằng: “Thất nghiệp, đói nghèo sẽ là tương lai của những kẻ ủng hộ sự cô lập hoàn toàn”.

Không những thế, ông còn kích động những người ủng hộ ông không tuân thủ lệnh phong tỏa ở các địa phương, biểu tình chống lại các hạn chế, và không ngần ngại “làm gương”, tham gia nhiều cuộc tụ tập này, phớt lờ mọi biện pháp phòng chống như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn.

Hệ quả của cách  xử lý này là các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã giảm đi, trong lúc Brazil là một quốc gia to lớn như một lục địa, với những thành phần dân chúng không có sức đề kháng cao như cư dân ở các khu phố nghèo – favelas- hay thổ dân. Nhiều vụ biểu tình chống phong tỏa đã diễn ra tại nhiều thành phố và được chính tổng thống khuyến khích.

Đối với tạp chí y khoa Anh Quốc The Lancet, trong thời điểm hiện nay, Jair Bolsonaro là “mối đe dọa lớn nhất đối với công cuộc ngăn chặn dịch bệnh ở Brazil”. Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng y tế, tổng thống Brazil đã luôn luôn giảm thiểu tối đa mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19.

Không dừng lại ở chỗ gọi đại dịch là một “cơn mơ” hão huyền, một chứng “cuồng loạn” tập thể hoặc là một bệnh “cúm xoàng”, trong hành động, ông Bolsonaro còn liên tục ra lệnh mở rộng danh sách các hoạt động mà ông cho là “thiết yếu”, thường xuyên hòa mình vào đám đông, ủng hộ việc sử dụng thuốc chloroquine và cách chức hai bộ trưởng y tế liên tiếp đã dám chỉ trích các biện pháp “chống dịch” của ông.

Đứng mũi chịu sào, hai bộ trưởng Y Tế từ chức

Thái độ của tổng thống đã gây bực tức trong chính phủ, đến nỗi mà hai bộ trưởng Y Tế đã phải ra đi vào thời điểm dịch Covid-19 hoành hành

Nelson Teich, người từng ủng hộ ông Bolsonaro, đã từ chức ngày 15/05, sau 28 ngày được bổ nhiệm. Là một bác sĩ được kính trọng, ông Nelson Teich đã không theo chủ trương của tổng thống về sử dụng chất hydroxychloroquine. Thuốc này hiện được sử dụng ở Brazil cho những trường hợp bệnh nặng nhất, và tổng thống muốn mở rộng diện sử dụng. Bộ trưởng Y Tế từ nhiệm đã không tán đồng vì chưa có nghiên cứu đáng tin cậy về hiệu quả của thuốc này.

Ông Nelson Teich là bộ trưởng Y Tế thứ hai ra đi từ sau khi dịch Covid-19 khởi đầu ở Brazil. Trước ông, bộ trưởng Luiz Henrique Mandetta, rất có uy tín, đã bị cách chức ngày 16/04, sau khi tỏ thái độ bất đồng ý kiến với tổng thống về biện pháp phong tỏa.

Tình trạng quá tải của hệ thống y tế.

Nhiều thống đốc bang và thị trưởng đã báo động là hệ thống y tế công cộng đã sắp bị bão hòa trong lúc dịch bệnh vẫn hoành hành dữ dội. Đây là trường hợp các bang ở miền Đông Nam, Bắc và Đông Bắc của Brazil.

Vào trung tuần tháng Tư, bệnh viện ở Sao Paulo và Rio de Janeiro ở vùng Đông Nam sắp đạt mức nghẹt cứng các bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Tình hình còn đáng ngại hơn ở bang Amazonas phía bắc, có 4 triệu dân, hiện đứng hàng thứ 5 về ca tử vong, theo AFP.

Thị trưởng thủ phủ Manaus, cho biết “tình hình gần như là hỗn loạn, hệ thống bệnh viện bị suy sụp. Chúng tôi đã yêu cầu thêm bác sĩ, máy trợ thở, thuốc men, nhưng chưa thấy trả lời”

Một phần công luận bực tức trước cách xử lý của tổng thống. Tại nhiều thành phố dân chúng biểu tình khua xoong chảo với khẩu hiệu “Bolsonaro cút đi”. Thành phần dân chúng bất mãn ngày càng tăng, với tỷ lệ hiện đã lên tới 55,4% so với 47% vào tháng Giêng, theo một cuộc thăm dò gần đây.