Một cô gái mới học hết cấp 2 đã sử dụng bằng cấp 3, tên của chị gái để học đến thạc sĩ
HỌC GIỎI THẾ.
Nữ trưởng phòng ở Tỉnh ủy Đắk Lắk mượn tên chị để thăng tiến: Có hay không sự nâng đỡ không trong sáng?
Thứ Bảy, ngày 05/10/2019 09:03 AM (GMT+7)
Một cô gái mới học hết cấp 2 đã sử dụng bằng cấp 3, tên của chị gái để học đến thạc sĩ, vào Đảng rồi thăng tiến đến chức trưởng phòng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk
Trưa 4-10, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã gặp gỡ các cơ quan báo chí để thông tin kết quả xác minh đơn tố cáo đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Phát hiện sai phạm từ đơn nặc danh
Trước đó, vào tháng 8-2019, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận đơn nặc danh tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), Trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, có tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975). Bà Thảo chưa học hết cấp 3 nhưng lấy bằng cấp 3 của chị ruột là Trần Thị Ngọc Ái Sa (hiện là hộ lý, công tác tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên đại học và đã học đến thạc sĩ. Đồng thời, bà Thảo kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em).
Theo ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, Tỉnh ủy Đắk Lắk chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk tiến hành thẩm tra, xác minh. Qua quá trình thẩm tra xác minh, làm việc với bà Sa thì nội dung tố cáo là đúng sự thật. Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa đã thừa nhận mình mang tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo. Bên cạnh đó, bà Thảo thừa nhận gia đình có 12 anh chị em nhưng trong lý lịch tự thuật lúc mới đi làm việc khai 4 người. Tuy nhiên, trong lý lịch đảng viên khai 11 người, không có tên Trần Thị Ngọc Thảo.
Cũng theo ông Hải, bà Thảo cho hay năm 1999, bà xin vào làm nhân viên hợp đồng tại Công ty CP Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. Lúc này, công ty yêu cầu bà Thảo nộp bằng cấp 3 nên bà đã mượn bằng cấp 3 của chị gái nộp vào. Đến năm 2002, bà Thảo vào làm việc tại khách sạn Bạch Mã - Đắk Lắk. Từ năm 2005-2009, bà Thảo làm kế toán, phụ trách kế toán, kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Từ tháng 10-2009, bà Thảo chuyển qua làm kế toán của Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2013, bà Thảo được bổ nhiệm Phó Phòng Quản trị và đến năm 2016 thì bổ nhiệm trưởng phòng. Trong quá trình làm việc, bà Thảo đã đi học trung cấp, liên thông đại học và học thạc sĩ.
"Bà Thảo thừa nhận thời điểm xảy ra sự việc còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn, nông nổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ vì muốn có việc để mưu sinh nên mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm. Bà Thảo thừa nhận việc làm của mình là sai trái, xin thành khẩn nhận khuyết điểm, xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng, của tổ chức" - ông Hải cho hay.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng Phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhiều năm qua đã lấy tên và bằng cấp 3 của chị gái để học đến thạc sĩ và thăng tiến sự nghiệp. (Ảnh từ Facebook nhân vật)
Làm rõ "sợi dây" trách nhiệm
Sau khi xác minh, ngày 17-9, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có công văn gửi Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy thông báo nội dung tố cáo là đúng.
Ngày 3-10, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã họp và thống nhất xử lý nghiêm sự việc theo quy định vì đây là cơ quan trọng yếu, cơ mật. Bên cạnh đó, hiện nay đang làm quy trình kiểm điểm trách nhiệm từ người giới thiệu, người đi thẩm tra, xác minh lý lịch để kết nạp Đảng, xem xét việc bổ nhiệm có đúng quy trình hay không.
Cũng theo ông Hải, việc xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho bà Thảo được gửi qua đường công văn sang tỉnh Lâm Đồng. Cấp ủy bên Lâm Đồng xác nhận hồ sơ là đúng, gia đình của bà Thảo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước. Riêng gia đình bên chồng, do đã có người là đảng viên nên lấy cơ quan đơn vị công tác để xác minh rồi tiến hành kết nạp Đảng. Đối với bằng cấp, do bà Thảo sử dụng bằng của chị gái, là bằng thật nên không phát hiện.
"Rõ ràng có trách nhiệm của chi bộ, cơ quan thẩm tra xác minh hồ sơ lý lịch, quản lý cán bộ, có cả trách nhiệm của Chi bộ Đảng của Phòng Quản trị, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh... để xảy ra sai sót. Thay mặt lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, tôi xin nhận thiếu sót này và xem đây là bài học đắt giá trong quản lý cán bộ" - ông Hải nói.
Ông Hải khẳng định về cá nhân, sai lầm của bà Thảo phải trả giá, sẽ không có cơ hội khắc phục, sẽ xử lý với hình thức cao nhất. Hiện nay, bà Thảo đã có đơn xin thôi việc và đang xin nghỉ phép, chờ quyết định của tổ chức. Đối với cá nhân, tập thể liên quan cũng phải xem xét kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Trách nhiệm đến đâu, xử lý đến đó theo đúng quy định.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc 2 khuôn mặt khác nhau, trên bằng cấp có hình ảnh nhưng vì sao không phát hiện, ông Hải nhận định có thể 2 chị em gái kế nhau, bằng cấp 3 nhìn cũng na ná nhau nhưng thực sự do chủ quan của những người thẩm tra, xác minh. "Không có chuyện đã biết bà Thảo dùng bằng cấp của chị nhưng không xử lý. Còn việc có ai nâng đỡ hay không thì tôi không thể biết được" - ông Hải trả lời.
Hai chị em nghỉ phép đi chữa bệnh Sáng 4-10, chúng tôi đã tìm tới nhà bà Thảo ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk thì được người nhà cho biết bà đã đi TP HCM khám và điều trị vì đau đầu. Còn ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cho biết Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng có một người tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, sinh ngày 25-5-1973. Cách đây vài hôm, bà Sa có đơn xin nghỉ phép để đi khám bệnh ở TP HCM. Hiện số điện thoại của bà Sa, ban lãnh đạo bệnh viện cũng không liên lạc được. "Chờ bà Sa hết phép, bệnh viện sẽ họp ban lãnh đạo, xác minh vụ việc để có hướng xử lý" - ông Tiến nói. Đ.Thi |
Viết bình luận: